Coach ngày càng phổ biến và có nhu cầu cao trong cuộc sống hiện nay. Vậy coach là gì? Khác biệt gì với những phương pháp tiếp cận khác? Hay làm sao nếu bạn cảm thấy sẵn sàng để bắt đầu hành trình trở thành một người huấn luyện? Hậu Nguyễn sẽ giúp bạn giải đáp toàn bộ thắc mắc trên qua bài viết sau đây.
Coach là gì?
Coach có nghĩa là huấn luyện. Huấn luyện là một quá trình đồng hành, hỗ trợ người học đạt được mục đích, sự tiến bộ hay vượt qua một vấn đề khó khăn trong cuộc sống lẫn công việc. Mục đích của việc coaching là mở khóa tiềm năng của một người để tối đa hóa hiệu suất của chính họ, giúp người học nhận thức về bản thân cao hơn và thường là cái nhìn sâu sắc về vấn đề mà họ chưa được khai sáng.
Vai trò của huấn luyện viên được thực hiện thông qua một số kỹ thuật đàm thoại, bao gồm đặt câu hỏi, lắng nghe tích cực, quan sát và đưa ra nhận định không thiên vị, không phán xét. Bên cạnh đó, người huấn luyện cũng sẽ giúp học viên đặt ra mục tiêu phù hợp trong từng giai đoạn, và với từng cá nhân.
Đặc biệt, rất nhiều người nhầm lẫn phương pháp huấn luyện – coaching với một số phương pháp khác, ví dụ như:
- Cố vấn – mentoring: thường là người có kinh nghiệm trong một lĩnh vực nhất định và do đó có thể hỗ trợ người có ít kinh nghiệm hơn. Người cố vấn chia sẻ kiến thức của họ và có xu hướng trau dồi về một lĩnh vực chuyên môn cụ thể, thậm chí có thể “cầm tay chỉ việc” khi truyền lại kiến thức trong công việc.
- Tư vấn – consulting: là xem xét dữ liệu phân tích và từ đó đưa ra các đề xuất về chiến lược, giải pháp cụ thể để có thể đạt được một kết quả nhất định hoặc để giải quyết một vấn đề cụ thể.
- Trị liệu – therapy: là phương pháp tập trung vào quá khứ và cố gắng hàn gắn những đổ vỡ buồn đau. Họ đặt mục tiêu tạo ra sự thay đổi hành vi bằng cách làm việc với các sự kiện trong quá khứ của khách hàng.
Sau khi diễn giải, có thể thấy huấn luyện khác với ba phương pháp trên khi nó tập trung đồng hành cùng người học người học đi tìm giải pháp, đạt được mục tiêu và trở thành một phiên bản tốt hơn trong lĩnh vực họ mong muốn trong tương lai.
Học gì khi học ngành huấn luyện – Coach
Mặc dù dần trở nên khá phổ biến, ngành huấn luyện hiện nay không có yêu cầu giáo dục nghiêm ngặt để bắt đầu sự nghiệp. Ngành huấn luyện là ngành đa lĩnh vực, vậy nên không có một khuôn khổ chương trình học dành cho tất cả huấn luyện viên. Để trở thành huấn luyện viên ở lĩnh vực nào đó, bạn cần trau dồi:
- Kinh nghiệm thực tế cũng như kiến thức chuyên sâu ở lĩnh vực bạn muốn hỗ trợ người khác
- Kỹ năng huấn luyện và chuyên môn của bạn thông qua phương pháp sư phạm
- Các mô hình chuyên dụng trong quá trình huấn luyện, chẳng hạn như mô hình GROW
- Kỹ năng áp dụng cách tiếp cận huấn luyện linh hoạt và trực quan
- Kỹ năng quản lý thời gian, giao tiếp, lên kế hoạch
- Kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề
Ngành huấn luyện – Coach học ở đâu
Các trường đại học tại Việt Nam vẫn chưa có những chương trình đào tạo chuyên sâu ngành này. Vậy nên nếu bạn có mong muốn theo đuổi ngành huấn luyện – coach một cách chuyên nghiệp ở các nước tiên tiến, hãy cân nhắc những gợi ý từ Hotcourses Vietnam sau đây:
- Các khóa đào tạo ngành Huấn luyện – Coach ở Mỹ
- Các khóa đào tạo ngành Huấn luyện – Coach ở Úc
- Các khóa đào tạo ngành Huấn luyện – Coach ở Canada
- Các khóa đào tạo ngành Huấn luyện – Coach ở Anh
- Các khóa đào tạo ngành Huấn luyện – Coach ở New Zealand
Bạn lưu ý là bấm vào link “Xem [số] khóa học Huấn luyện” để tìm hiểu thông tin cụ thể về khóa học ở từng trường. Đặc biệt, các khóa học liên quan đến nghề Huấn luyện hiện nay chỉ là các chương trình ngắn hạn sau đại học, với mục đích bổ sung kiến thức giảng dạy khi bạn đã có chuyên môn. Vậy nên nếu muốn theo đuổi nghề này thì bạn chỉ cần tham gia khóa học lấy chứng chỉ tầm 1-2 năm.
Công việc và những cơ hội nghề nghiệp của nghề huấn luyện (coach)
Cơ hội nghề nghiệp của ngành này hiện nay vô cùng rộng mở. Ở các lĩnh vực khác nhau, các nhiệm vụ cụ thể của một người làm việc trong vai trò coach cũng sẽ khác nhau nhưng về cơ bản, mô tả công việc của coach sẽ là:
- Giao tiếp với học viên để hiểu mục tiêu và tham vọng của họ
- Xây dựng kế hoạch huấn luyện
- Hỗ trợ học viên khám phá, vượt qua các rào cản cá nhân và đặt mục tiêu phù hợp
- Đánh giá điểm mạnh của từng cá nhân và thúc đẩy họ phát triển thế mạnh, vượt qua các điểm yếu
- Tạo động lực và hướng dẫn phát triển kỹ năng
- Hướng dẫn để học viên thực hiện các nhiệm vụ, từng bước tiến dần đến mục tiêu
- Theo dõi và đánh giá tiến độ
Công việc của huấn luyện viên được biết đến khá phổ biến hiện nay trong bốn lĩnh vực:
- Huấn luyện viên thể thao
- Huấn luyện viên nghề nghiệp
- Huấn luyện viên cuộc sống (life coach)
- Huấn luyện viên dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe
Ngoài ra, bạn có thể trở thành coach trong bất cứ lĩnh vực nào nếu bạn xác định được thị trường tiềm năng và khả năng của bản thân như: hỗ trợ về các mối quan hệ, học tập, nuôi dạy con cái, khởi nghiệp, kinh doanh, kỹ năng mềm, lập trình, văn nghệ,…
Để trở thành Huấn luyện chuyên nghiệp, bạn cần biết
Cân nhắc sự cần thiết của bằng cấp
Để xây dựng uy tín ban đầu trong ngành này, bên cạnh bằng cấp, thứ quan trọng hơn chính là kinh nghiệm thực tiễn dày dặn, nhiều trải nghiệm ý nghĩa và có những thành tựu được ghi nhận trong lĩnh vực mà bạn muốn huấn luyện người khác. Bởi mục đích sau cùng của việc huấn luyện là giúp người học đạt được mục tiêu của chính họ, lý thuyết được học trong bằng cấp/ chứng chỉ là chưa đủ. Vì thế, bên cạnh khả năng sư phạm, kinh nghiệm và sự trải đời sẽ giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân thành công và sống lâu với nghề.
Xác định thị trường ngách để cạnh tranh hơn
Khi đã xác định được lĩnh vực mà bạn tham gia huấn luyện, việc tìm ra thị trường ngách cho bản thân rất quan trọng. Chẳng hạn như chọn huấn luyện về tài chính, bạn nên đi sâu vào cụ thể như huấn luyện tự do tài chính, đối tượng là phụ nữ, với đội tuổi nằm trong khoảng nhất định, huấn luyện 1:1 hay theo nhóm… Làm như vậy sẽ giúp bạn dễ dàng xây dựng tệp khách hàng cho mình cũng như phân bổ thời gian huấn luyện hợp lý và hiệu quả cho cả hai bên.
“Hãy dạy cách câu cá chứ đừng cho con cá”
Đây là cốt lõi của việc huấn luyện, khiến nó khác biệt với những phương pháp tiếp cận khác. Một huấn luyện viên chuyên nghiệp không phải là người biết đáp án cho mọi vấn đề, thay vào đó họ biết cách lắng nghe, đặt câu hỏi sâu sắc và có tính định hướng nhằm giúp người học xác định giá trị và mục tiêu, từ đó bắt tay vào hành động. Bên cạnh đó, sau khóa huấn luyện, học viên còn có thể tái sử dụng kiến thức, tư duy trong những tình huống khác thì mới được xem là khóa huấn luyện thành công.