REVIEW SÁCH LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐỌC SÁCH HIỆU QUẢ?

Bạn có đang thực sự đọc sách đúng cách? 

Bạn có từng đọc xong một cuốn sách nhưng lại chẳng nhớ được gì, cũng chẳng biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống ra sao không? Để thu được lợi ích tối đa, bạn cần biết các kỹ năng đọc sách hiệu quả. cuốn sách Làm thế nào để đọc sách hiệu quả?.  sẽ bật mí cho bạn những bí quyết để bạn làm được điều đó. 

Làm thế nào để đọc sách hiệu quả? có thể được coi như một cuốn cẩm nang bổ ích về đọc sách, dành cho những người mới, đã và đang bắt đầu hành trình đọc của mình. Bạn cũng có thể học hỏi thêm được nhiều điều nhờ vào các ý kiến, quan điểm của những “mọt sách” điển hình, những bài học và sai lầm trong việc đọc sách mà có thể chính bạn cũng đang mắc phải. 

Cuốn sách là tập hợp những bài chia sẻ của những người đọc tiêu biểu, đại diện cho các thế hệ được sắp xếp khoa học, logic thành 6 chương sẽ giúp bạn hiểu chi tiết về từng thao tác tư duy trong việc đọc sách hiệu quả. 

Nhóm tác giả đó bao gồm: ông Nguyễn Cảnh Bình – nhà sáng lập Alpha Books, công ty sách hàng đầu Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng được biết đến với tư cách một diễn giả, một doanh nhân, một nhà hoạt động xã hội sôi nổi và có nhiều đóng góp. 

Bên cạnh ông Bình còn có sự giúp đỡ từ các cộng sự là Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh – người sáng lập Câu lạc bộ Đọc sách cùng con, PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh, ngoài ra còn có sự góp mặt của chị Rosie Nguyễn – tác giả cuốn sách bán chạy Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? thân thuộc với bạn đọc toàn quốc cùng nhiều người khác. 

 

Đầu tiên, chọn sách sao cho đúng?

Chọn sách tưởng dễ mà hóa ra thật khó. Có hàng ngàn quyển sách ngoài kia nhưng chỉ một phần rất nhỏ trong đó hợp gu đọc của bạn. Đã bao lần bạn mua một cuốn sách về rồi lại ngậm ngùi xếp nó lên kệ vì mình đã cố gắng lắm mà chẳng nhấm nháp nổi tư tưởng mà tác giả muốn truyền đạt. 

Có thể cuốn sách đó không dở, chỉ là nó không hợp với bạn mà thôi. Vì vậy, việc chọn sách trở nên thật quan trọng. Đó là bước ban đầu của hành trình đọc sách, vậy nên bạn cần thật thận trọng. 

Theo ông Bình, để chọn và tìm sách hiệu quả, từ khóa quan trọng mà bạn cần nhớ đó là: chủ động. Hãy chủ động tìm hiểu. Tìm hiểu bản thân bạn đang cần gì, bạn mong muốn gì ở một cuốn sách, tiếp đó hãy tìm những dòng sách phù hợp với nhu cầu của bạn. 

Nếu bạn là một nhà lãnh đạo và mong muốn cải thiện công việc quản trị, tiểu thuyết ngôn tình chắc chắn không giúp gì cho bạn. Trong khi đó, bạn có thể học được vô số điều từ những câu chuyện của các nhà lãnh đạo hàng đầu. Nếu bạn yêu thích đầu tư, hãy đọc sách của Warren Buffett; nếu bạn muốn trở thành nhà văn, hãy tìm đọc những cuốn tiểu thuyết kinh điển. 

Louisa May Alcott từng triết lý sâu sắc rằng: “Sách hay, cũng như bạn tốt, ít và được chọn lựa; chọn lựa càng nhiều, thưởng thức càng nhiều.” Thời gian luôn là phép thử hiệu quả nhất, vì vậy hãy luôn chủ động trong quá trình đọc sách của mình. Đọc sách chính là học hỏi, và học hỏi luôn ưu tiên những con người chủ động. 

Thứ hai, muốn tiết kiệm thì đọc thế nào? 

Dù với túi tiền eo hẹp, bạn vẫn có thể tiếp cận đa dạng các nguồn sách. Ngày nay, có vô số phương thức để đọc được sách miễn phí hoặc tốn rất ít phí. Tác giả Rosie Nguyễn khuyên bạn nên đọc các sách ebook trên mạng hoặc các thư viện số miễn phí. 

Vậy đối với sách giấy thì sao?

Đầu tiên, bạn có thể đặt làm thẻ thành viên tại thư viện địa phương. Các câu lạc bộ, đội nhóm về đọc sách cũng là một ý tưởng hay, bạn sẽ có cơ hội thảo luận và trao đổi sách với các thành viên khác. Ngoài ra, bạn có thể tìm mua sách cũ trên mạng hoặc từ các tiệm sách cũ. 

Không thiếu gì cách để đọc dù với túi tiền eo hẹp, chỉ cần bạn muốn đọc thì mọi chuyện đều có khả năng. Đừng để hạn chế về tài chính ngăn cản bản thân trên con đường tiếp thu tri thức. 

Thứ ba, các kỹ năng đọc sách hiệu quả

Nhiều người chỉ đọc sách mà không rút ra điều gì từ sách, không thể ứng dụng những điều họ đọc từ sách vào thực tế hành động, không khiến bản thân thay đổi theo chiều tốt đẹp hơn… Khi đó, đọc sách chỉ là phí phạm, họ không thu được giá trị từ việc đọc. 

Nếu bạn gặp phải tình trạng đó, có thể bạn đang mắc những sai lầm sau: đọc ngắt quãng những đoạn không hiểu, chăm chút vẻ ngoài cuốn sách quá đà, đọc chậm… Hay có thể bạn đang nghĩ đọc sách là tốn thời gian, hoặc đọc càng nhiều sách thì càng tốt. Thực tế, đọc nhiều sách không quan trọng bằng việc đọc một cuốn sách có giá trị với bạn. 

Các tác giả sẽ còn chỉ ra vô số các tư duy sai lệch đang kìm hãm bạn đọc sách hiệu quả. Từ những căn cứ và nhận định đó, họ đưa ra các mẹo nhỏ, các kỹ năng bổ trợ để bạn có thể tối ưu việc đọc của bản thân, dưới đây là vài ví dụ tiêu biểu: 

  • Kỹ năng đọc được nhiều sách: Ở phần này, các tác giả dẫn chứng bằng “nghịch lý của sự lựa chọn”, đơn giản là càng có nhiều sách để đọc, bạn càng trở nên mệt mỏi và rối trí hơn. Để thoát khỏi vòng vây này, bạn cần sử dụng “list sách triệt hạ nỗi sợ” – một bản danh sách chọn lọc sẵn những cuốn sách đáng đọc từ một núi sách chồng chất. 
  • Kỹ năng đọc các thể loại sách: Sách văn học, lịch sử, kinh tế hay tâm lý đều có cách đọc riêng của chúng. Thí dụ, với sách lịch sử, khi bạn gõ wiki tìm kiếm “Chiến tranh thế giới thứ II” thì hàng nghìn thông tin nối đuôi nhau, nếu bạn chạy theo chúng thì cuối cùng bạn còn không nhớ ban đầu mình cần tra cứu những gì. Việc đọc sách cũng vậy, khi đọc bạn nên hoạch định mình cần những thông tin nào, gạch đầu dòng ra và chỉ tìm kiếm những thông tin đó. Lúc đó việc đọc sách về lịch sử sẽ không rơi vào lan man. 
  • Kỹ năng tạo sự tập trung khi đọc sách: Không phải ai cũng có không gian lý tưởng để đọc sách. Trong nhiều trường hợp, bạn còn phải tập đọc sách trong tiếng ồn. Bạn nên tập luyện điều đó bằng việc nghe nhạc khi đọc sách cho tới khi hoàn toàn đắm chìm vào từng câu chữ, tập đọc nhiều cuốn sách cùng lúc và tránh nghĩ về nội dung sách khi đã buông sách ra khỏi tay. 

Bạn sẽ còn được biết thêm về kỹ năng đọc siêu tốc giúp bạn tối ưu thời gian đọc sách, kỹ năng đọc và ghi chép, kỹ năng ghi nhớ những gì mình đã đọc… Tất cả đều là những phương pháp hữu hiệu giúp cải thiện việc đọc sách của bạn, đã được họ kiểm chứng từ chính trải nghiệm đọc sách của bản thân. 

Thứ tư, làm thế nào để xây dựng thói quen và văn hóa đọc?

Các tác giả cho rằng: Việc đọc sách nên bắt đầu trước hết từ khơi gợi lòng ham thích đọc sách ở mỗi người. 

Ở phần này, bà Thụy Anh dành nhiều chương để nói về lộ trình đọc sách cùng con trẻ, giúp con xây dựng thói quen đọc sách và niềm ham mê sách từ khi còn nhỏ. Tại sao các tác giả lại lồng ghép vấn đề đọc sách cùng con ở đây? 

Bởi vì, họ muốn khơi gợi niềm say mê đọc sách của bạn, như cách khơi gợi điều đó ở một đứa trẻ. Một đứa trẻ với sự tò mò, ưa thích khám phá mọi điều, hứng khởi với mọi sự sẽ luôn tìm thấy được điều gì đó mới mẻ trong cuốn sách mà chúng đọc.

Hãy nghĩ xem bạn tò mò về điều gì? Bạn đam mê gì, muốn khám phá điều gì về thế giới này? Nếu bạn yêu thích thể thao, hãy thử đọc tiểu sử về các vận động viên, các huấn luyện viên hàng đầu. Nếu bạn tò mò về cách nền kinh tế vận hành, hãy đọc sách kinh tế. 

Làm thế nào để đọc sách hiệu quả? là cuốn cẩm nang đọc sách rất cần thiết với mỗi người Việt, như cách nhà sách Thái Hà nhận định, “Có thể nói, đây là một cuốn sách, một cuốn cẩm nang đọc sách vô cùng hữu ích với người đọc mỗi chúng ta”.

Nhà văn Mỹ Ernest Hemingway từng phát biểu: “Không có người bạn nào trung thành như một cuốn sách.” Sách là nguồn của cải quý báu của nhân loại và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia. Biết cách đọc sách, là bạn biết cách sử dụng nguồn của cải đó đúng đắn rồi đó! 

Hãy cùng chờ đón bài viết tiếp theo chia sẻ về những quyển sách hay bạn nhé. 

phim79 phim moi