Dạo này thấy nhiều người còn chưa hiểu rõ về Coaching và hay lẫn lộn Coaching với các phương pháp khác, đến nỗi có người còn nói tôi không phải là Coach dù bản thân tôi đã được chứng nhận bởi liên đoàn Coach CCA (liên đoàn coach Canada) và ICF (Liên đoàn Coach của Mỹ). Nên hôm nay tôi xin chia sẻ cách nhận biết Coaching và các phương pháp khác theo cách đơn giản và rõ ràng nhất.
Sẽ có 1 vài người có quan điểm là không nhất thiết phải phân biệt rạch ròi vì gọi tên sao chả được, chỉ cần tạo kết quả là được. Thì tôi xin thưa không biết bạn có gọi ghế salong là giường và ngược lại không vì ghế salong có thể dùng để nằm ngủ và ngược lại giường cũng có thể dùng để ngồi chơi nói chuyện. Hơn nữa việc phân biệt rõ ràng các phương pháp là rất cần thiết, đặc biệt khi chúng ta muốn tham gia vào hàng ngũ các chuyên gia quốc tế. Chắc bạn sẽ không muốn khi gặp các chuyên gia hàng đầu thế giới lại mắc những lỗi rất cơ bản như thế đúng không.
Xin chia sẻ lại 1 trải nghiệm cay đắng của bản thân tôi khi mới vào ngành đào tạo. Tôi khi đó làm trong 1 tập đoàn đa quốc gia của Séc. Khi đó phòng đào tạo của tôi “Coaching” theo quy trình GROW, nhưng cách thực hiện lại là theo EDAC (Explain – demo – apply – Consolidate) tức là chỉ dạy và làm mẫu cho nhân viên các bước trong GROW dù vẫn làm 1 – 1. Đến khi tập đoàn cử chuyên gia từ tổng công ty về để đào tạo Coaching nâng cao, thì chuyên gia ấy đã phải thay đổi toàn bộ kế hoạch giảng dạy của cô vì trong buổi đó phòng đào tạo chúng tôi không phân biệt được Coaching và On the job Training. Cô đã phải dạy lại từ cơ bản cho tất cả. Và sau đó tôi có nghe nói cô đã nhận xét cho lãnh đạo cấp cao của VN là Phòng đào tạo CÓ NĂNG LỰC RẤT KÉM. Nên nếu bạn còn lẫn lộn giữa các phương pháp này. Bạn sớm muộn cũng gặp tình huống tương tự như tôi đã gặp. Rất hy vọng bài này có thể giúp các bạn tránh được sai lầm mà phòng đào tạo của chúng tôi đã mắc phải.
– Coaching – khai vấn: coaching là quá trình mà coach lắng nghe, ĐẶT NHỮNG CÂU HỎI để từ đó người được Coach (coachee) TỰ TÌM RA giải pháp, giải quyết vấn đề đang gặp phải. Triết lý căn bản nhất của Coaching là Coach và Coachee có mối quan hệ đồng đẳng, và giải pháp tốt nhất sẽ đến từ Coachee. Người Coach phải có niềm tin cơ bản là Coachee có nhiều tiềm năng to lớn và đủ khả năng tạo ra nhiều giá trị tuyệt vời hơn bản thân họ hiện tại và tuyệt vời hơn cả chính người Coach. Người Coach không nhất thiết phải biết câu trả lời hoặc hiểu biết về vấn đề của Coachee (ngoại trừ 1 vài trường hợp ngoại lệ như tài chính, sức khỏe, thể thao, dinh dưỡng, tinh thần). Các mô hình Coaching phổ biến là GROW nhưng còn nhiều mô hình khác như OSKAR, 6C, GEARDA, PRACTICE… Thật ra những người Coach chuyên nghiệp thì thường sẽ tạo ra những mô hình riêng của mình để phù hợp với đối tượng khách hàng, cũng như tôi cũng có những quy trình và công cụ Coaching riêng tôi tự tạo trong quá trình Coach. Cuộc nói chuyện khi Coaching tập trung vào câu hỏi và tập trung giải pháp.
– Mentoring – Cố vấn: Đây là phương pháp dễ bị hiểu lầm là Coaching vì trong mentoring người Mentor cũng đặt câu hỏi và cũng thường là làm 1 -1 như Coaching. nhưng nhiệm vụ chính của Mentor là chuyển giao lại những bài học kinh nghiệm của mình cho người được mentor nên họ cũng chia sẻ khá nhiều trong quá trình Mentor. Người Mentor bắt buộc phải đạt được thành tựu, kết quả mà người được Mentor đang hướng tới. Chính vì hiểu lầm về mentor và coach nên một vài người đã đánh giá tôi không phải coach vì tôi không đủ trải nghiệm và kinh nghiệm. Thông thường Mentor được sử dụng trong việc phát triển sự nghiệp nhưng thực tế phạm vi áp dụng rất rộng ví dụ như mentor để start up, để đầu tư, để có những mối quan hệ tốt. Thậm chí để có gia đình hạnh phúc. Người Mentor thường lớn tuổi hoặc có nhiều kinh nghiệm hơn người được mentoring. Trong Mentor việc hỏi và cho lời khuyên là cân bằng và cuộc nói chuyện tập trung chính vào giải pháp.
– Counselling – “Tư vấn”: Đây là hình thức liên quan đến tâm lý rất nhiều, Người Counsellor phải có bằng cấp chuyên môn về tâm lý và thường tập trung vào những vấn đề như nỗi sợ, chấn thương tâm lý của người được hỗ trợ trong quá khứ để giúp họ vượt qua những sang chấn đó. Trong Counselling thì cuộc nói chuyện chủ yếu là về vấn đề và người Couselling sẽ hỏi nhiều hơn là nói.
– Consulting– “Tư vấn”: dù dịch ra tiếng Việt cùng nghĩa, nhưng hình thức này rất khác Counselling. Vì trong Consulting không giải quyết các vấn đề tâm lý mà thường đưa ra lời khuyên và cung cấp giải pháp cho người được hỗ trợ dựa trên kiến thức chuyên môn sâu rộng. Người Consultant sẽ tìm hiểu kỹ vấn đề của khách hàng và đưa ra giải pháp cho họ. Consultant không nhất thiết phải có trải nghiệm hoặc đạt kết quả cao trong lĩnh vực đó. Tương tư như bác sĩ không nhất thiết phải có trải nghiệm vượt qua bệnh tật để chữa hoặc ra lời khuyên sức khỏe cho người bệnh. Trong consulting thì người Consulting sẽ nói nhiều hơn hỏi và cuộc nói chuyện tập trung cả về vấn đề và giải pháp.
– On the job training (OTJ) – Cầm tay chỉ việc: Đây cũng là một phương pháp hay bị lầm là Coaching. Thực tế thì mình thấy rất nhiều nơi ở VN thực hiện việc này nhưng vẫn nói là Coaching. OTJ Là quá trình hướng dẫn cụ thể cách thực hiện công việc tại môi trường làm việc. Người hướng dẫn có thể là Trainer hoặc 1 người nhân viên có kinh nghiệm hơn. Việc hướng dẫn sẽ đi chi tiết và từng bước. Thường dành cho những công việc có quy trình, quy định rõ ràng và cần tính tuân thủ, chính xác cao (ví dụ như trong dây chuyền sản xuất hoặc các việc liên quan đến kỹ thuật). Điểm yếu của phương pháp này là thiếu đi sự khơi gợi sự cải tiến hoặc sáng tạo từ người được hướng dẫn. Mô hình phổ biến của phương pháp này là EDAC. Trong OTJ thì người hướng dẫn sẽ đưa lời khuyên và tập trung vào giải pháp công việc.
Hy vọng các bạn nắm rõ và phân biệt được các phương pháp. Nếu bạn đang muốn học Coaching. Bản thân tôi khuyên bạn nên học những nơi giúp bạn có được chứng nhận quốc tế vì nó sẽ giúp cho sự nghiệp của bạn sau này rất lớn. Hoặc ít nhất, hãy đến với những người giảng viên có chứng nhận quốc tế. Vì những nơi khác sẽ dạy bạn 1 phiên bản “Coaching biến thể” (phiên bản lẫn lộn giữa Coaching và các phương pháp trên) vì họ còn ko phân biệt được giữa các phương pháp.
Thêm vào đó, những người chưa được chứng nhận quốc tế sẽ khó đủ khả năng và kinh nghiệm giúp bạn đặt được những câu hỏi hiệu quả vốn là sức mạnh của coaching. BỞI 1 ĐIỀU CỰC KỲ QUAN TRỌNG LÀ: COACHING CHẮC CHẮN PHẢI ĐẶT CÂU HỎI, NHƯNG KHÔNG PHẢI CỨ ĐẶT CÂU HỎI LÀ SẼ LÀ COACHING. Ví dụ như câu hỏi “cảm xúc của bạn về việc đó như thế nào: thất vọng hay buồn?” có thể là một câu hỏi tốt với người bình thường. Nhưng với những người Coach chuyên nghiệp thì sẽ là 1 câu hỏi rất tệ và phải hạn chế trong quá trình Coaching.