Life coach ở nhiều quốc gia phát triển đã giữ vai trò như một công việc thực thụ. Ở Việt Nam, công việc này đã phát triển ít năm trở lại đây, đặc biệt trong đại dịch Covid-19. Ở một phương diện nào đó, Life coach đáng được coi như thành tố quan trọng của giáo dục. Tuy nhiên, ở nhiều nơi đã xuất hiện những dạng biến tướng hoặc làm xô lệch những giá trị tích cực ban đầu. Phóng viên báo Thiền Ca có cuộc trò chuyện cùng chị Hậu Nguyễn, Giám đốc cấp cao Học viện GEIN Academy chuyên lĩnh vực Life coach.
Life coach – nghề mới ở Việt Nam
Phóng viên: Thưa chị, những năm gần đây, với sự phát triển chung của xã hội, rất nhiều phương thức sống, phương thức giáo dục khác nhau du nhập vào Việt Nam, Life coach thuộc một trong số đó. Khái niệm này hiểu và ứng dụng trong đời sống cụ thể ra sao?
Chị Hậu Nguyễn: Thực ra Life coach đã phát triển ở nhiều nước phương Tây và nếu tìm đến ngọn nguồn thì tuổi đời cũng ngót trăm năm rồi. Đến gần đây, trước áp lực đời sống công nghiệp đè nặng, mỗi cá nhân mới tìm giải pháp để định hướng lại bản thân và dần trở thành một nghề thực thụ. Khi về đến Việt Nam, dịch nghĩa thật chuẩn thì khó, chỉ nên hiểu đơn giản như người làm khai vấn, giúp cho cuộc sống của mỗi người xác định và đi đúng mục tiêu, phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu, tiến tới cuộc sống hạnh phúc hơn.
Phóng viên: Thoạt nghe thì công viêc này khá tương đồng với công việc của các chuyên gia tâm lí hoặc nhân viên công tác xã hội?
Chị Hậu Nguyễn: Thực ra đây là một công việc mà đối tượng tác động rất rộng lớn như cho những người làm cha mẹ, các cặp vợ chồng, trẻ em… Một người làm Life coach buộc phải có cái nhìn rất rộng về xã hội, tâm lí rồi lựa chọn cho mình lĩnh vực chuyên sâu. Ngay trong thực tế, có những người trải qua những đổ vỡ hôn nhân với nhiều tổn thương, quá trình tự chữa lành bản thân đem lại cho họ những kinh nghiệm mà nếu được đào tạo hoặc nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn khách quan họ hoàn toàn có thể tham gia khai vấn, hướng dẫn cho những cặp đôi đang gặp những khúc mắc khó giải quyết trong hôn nhân, trong cuộc sống chung. Và rõ ràng nếu là một chuyên gia tâm lí thì công việc này sẽ rất thuận lợi và hiệu quả cao bởi việc hiểu về người mình tham vấn được xem như yếu tố quan trọng nhất trong công việc này.
Life coach giúp cá nhân hóa trong giáo dục trẻ
Phóng viên: Với cá nhân chị, như tôi được biết đang Life coach chuyên sâu với lớp trẻ, cụ thể là lứa tuổi học sinh phổ thông bao gồm cả phụ huynh và các em. Nhưng như tư duy cha mẹ Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng thì một đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi trở thành mục và được coi như kết quả đáng để mong đợi. Tuy nhiên, thực tế không phải đứa trẻ nào cũng đạt được thành tích vượt trội ở trường hoặc nghe lời người lớn răm rắp. Chị làm sao để phụ huynh thay đổi được quan điểm trong việc cá thể hóa con mình trong quá trình nuôi dạy chúng?
Chị Hậu Nguyễn: Albert Einstein đã có một so sánh đại ý nếu bạn đánh giá đứa con giống như việc đánh giá bằng khả năng leo cây của một con cá thì cả đời đứa trẻ sẽ nghĩ nó là đứa yếu kém. Vậy thì khi vận dụng trong việc Life coach, cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con em họ tức là cùng tìm ra điểm mạnh, yếu của đứa trẻ. Thành công của mỗi người đều trên cơ sở phát huy tối đa thế mạnh của họ. Và cá có thế mạnh của cá, chúng ta cần thấu hiểu con em mình có thế mạnh ở đâu để tạo môi trường phát triển cho chúng. Và nỗ lực của tôi không chỉ dừng ở việc bố mẹ thấu hiểu con mà chính các con phải hiểu bản thân mình để xác định mục tiêu và có lộ trình thực hiện.
Phóng viên: Cha mẹ Việt Nam nuôi con thường theo bản năng, theo kinh nghiệm truyền nối từ thế hệ trước và dường như không để ý tới mong muốn hay tố chất thực sự của đứa trẻ. Ví dụ gia đình làm nghề y sẽ rất mong con học rồi trở thành người trong ngành. Chị đã có những trường hợp nào thành công trong việc thay đổi bố mẹ trong cách nhìn nhận cũng như chuyển hướng cho con của họ?
Chị Hậu Nguyễn: Rất nhiều rồi bạn ạ! Có một trường hợp mình thực sự rất nhớ. Đó là gia đình với hai con nhưng theo hai hướng khác biệt hoàn toàn. Nếu anh trai học cực giỏi, thi đâu đỗ đấy, giành nhiều giải thưởng, thành tích. Trong khi đấy, bạn em lại không học được môn học nào ở trường “tử tế” theo cách đánh giá của giáo viên và cha mẹ. Bố mẹ luôn hoang mang và cho rằng đứa con thứ hai có vấn đề. Nhưng khi phân tích các chỉ số của bạn ấy mới thấy đây là một đứa trẻ có khả năng về các hoạt động cộng đồng, công chúng và nghệ thuật rất tốt. Khi mình nói lại, bố mẹ bạn ấy cũng thổ lộ có lần con nói rằng khao khát được học trống. Mình khuyến khích để con thử và sau một năm con tiến bộ rõ rệt. Đến giai đoạn lựa chọn thi vào 10, bố mẹ lại băn khoăn nên để con tiếp tục học phổ thông hay sang học chuyên sâu về âm nhạc. Thời điểm đó mình nói rằng hãy theo hướng mà con yêu thích và có năng lực thực sự. Một lần nữa bố mẹ bạn trẻ đó nghe theo và rồi thành công lại đến từ những giải thưởng âm nhạc mà con có được khi rẽ hẳn sang học và chơi trống.
Phóng viên: Quá trình Life coach với các bạn dưới 18 cùng với phụ huynh, chị thấy quá trình thay đổi tư duy của bố mẹ trong việc nhìn nhận con mình từ góc độ cá thể hóa có khó không?
Chị Hậu Nguyễn: Phần này tôi nghĩ cần phải chia giai đoạn. Nếu dưới 6 tuổi, bố mẹ và quan hệ gia đình có nhiều ảnh hưởng với con mà biết được điểm mạnh điểm yếu và tạo môi trường phù hợp thì con sẽ được xác định hướng đi thuận lợi hơn. Nhưng với con đã vào cấp 3, sống mười mấy năm trong mô hình đã được định dạng sẽ khó hơn. Ví dụ như người mà có khả năng tự định hướng mà bố mẹ lại bao bọc quá thì khả năng của con cũng giảm hoặc mất đi. Hoặc khi con có khả năng tự định hướng mà bố mẹ áp đặt thì ở vào độ tuổi dậy thì, con có khả năng phản kháng mạnh hơn, bố mẹ mất kiểm soát và dẫn tới những xung đột giữa các thành viên trong gia đình. Bởi lẽ đó, hành trình nuôi dạy con cha mẹ cần quan tâm tìm hiểu hơn những nghiên cứu khoa học hoặc những mô hình nuôi dạy đã được nghiên cứu và thực hành, thậm chí tham vấn các chuyên gia để không rơi vào trường hợp áp đặt hoặc buông lỏng. Nhưng thực tế hiện nay như tôi quan sát và thực tế làm việc thì phụ huynh ở nơi có điều kiện kinh tế phát triển như các thành phố chẳng hạn, họ quan tâm và có điều kiện để tìm hiểu cũng như thực hành những kiến thức giáo dục mới.
Phóng viên: Công việc Life coach ngoài kiến thức tâm lí, xã hội còn dựa trên một bản đồ được lập trình và xây dựng riêng cho mỗi cá nhân, mà cụ thể ở đây là mỗi đứa trẻ. Tôi thấy có nhiều con số xuất hiện ở đây. Tại sao một con số lại có thể đại diện hay thể hiện một điều gì đó ở sâu bên trong mỗi người? Liệu có phải là điều gì thần bí không, thưa chị?
Chị Hậu Nguyễn: Thực ra đây là một công cụ được dựa trên nền tảng của xác suất thống kê. Bản đồ số mà chúng tôi làm chỉ có giá trị giúp cha mẹ nhìn nhận về con em họ trong những thế mạnh hoặc hạn chế nào. Nhưng tôi nhấn mạnh rằng việc xác định này chỉ có giá trị khoảng 30% với mỗi cá nhân. Còn điều cơ bản lại nằm ở việc ứng dụng trong phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu thì mới đem lại giá trị. Như vậy, việc ứng xử và định hướng ra sao thì mới có ý nghĩa quyết định và những người làm Life coach như tôi đóng vai trò chia sẻ, tham vấn với phụ huynh cách thức hoặc lựa chọn cách thức để phù hợp với năng lực và sở trường của con em sau khi đã nhìn ra. Giống như việc chúng ta có địa chỉ cần đến trong tay nhưng việc bước đi thế nào lại do chính mỗi người. Mỗi cá nhân để trưởng thành cần 3 trụ cột gồm đạo đức-trí tuệ-nghị lực. Nếu xây dựng được cho các em, tôi tin rằng con của chúng ta sẽ trưởng thành.
Phóng viên: Vậy từ kinh nghiệm Life coach cho các bậc phụ huynh trong quá trình đồng hành với con về học tập, định hướng tương lai, nghề nghiệp, chị có lời khuyên gì với họ?
Chị Hậu Nguyễn: Tôi rất thích một câu của thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Thấu hiểu là một khía cạnh khác của yêu thương”. Đây là gốc rễ để tu tập. Khái niệm “Tu” ở đây không phải lên chùa mà phải là quá trình tự rèn luyện bản thân, thấu hiểu xung quanh để có những ứng xử đúng. Và làm cha mẹ cũng được coi như hành trình “Tu”. Hãy để tâm nhiều hơn, đánh giá và nhận diện về cá tính, năng lực… của chính con em mình thay vì có những mô hình đóng khuôn và cố để các con theo đuổi. Hiện nay, nhiều trẻ em thiếu nghiêm trọng mục đích sống và mục tiêu của cuộc đời. Bố mẹ bảo học thì đi học thôi mà không hiểu học để làm gì? Điều này chúng tôi đang cố gắng thay đổi để các bạn có nhận thức nhiều hơn về việc mình là ai, mình cần gì và làm gì để đạt được mục tiêu đặt ra.
“Để làm công việc của một Life coach mình phải học thêm về tâm lí, đọc thêm sách và thậm chí sử dụng cả những kinh nghiệm bản thân đã trải qua để cùng phụ huynh phân tích được điểm mạnh của con em họ, giúp họ giải quyết những khúc mắc với con khi con phát triển trái với mong muốn hoặc mục tiêu mà cha mẹ đã hướng sẵn”-Nguyễn Thị Minh Chi, một Life coach chuyên nghiệp
“Mình biết về Life coach qua một phụ huynh khác khi chia sẻ về con đang ở độ tuổi dậy thì nhiều thay đổi và bất ổn. Mình thấy việc đồng hành và dạy con theo phương pháp trước đây dường như không còn phù hợp nữa thì mình thử tìm hiểu sang phương pháp khác. Trước đây mình vẫn đặt con vào những yêu cầu như kinh nghiệm có sẵn nhưng suy nghĩ của các bạn ấy hiện nay lại độc lập. Điều này thôi thúc mình tìm hiểu hơn về con, cố gắng nương theo tố chất của con để giảm xung đột”- Hoàng Vân Anh, mẹ của hai con tuổi dậy thì đang sử dụng dịch vụ Life coach.
Phóng viên: Xin chị một câu hỏi cuối. Life coach đã và đang trở thành một công việc và có thể đem lại thu nhập. Nhưng điều gì theo chị cần ở một người làm công việc này để nó thực sự đem lại giá trị và không bị biến tướng?
Chị Hậu Nguyễn: Thật ra đây là công việc khá mới ở Việt Nam. Bản thân mình khi bước vào công việc này đã 42 tuổi, lúc đầu thấy thú vị thì tìm hiểu và tưởng đơn giản vì chỉ gồm những con số có trong tấm bản đồ được xây dựng cho từng cá nhân dựa theo ngày tháng năm sinh. Nhưng càng tìm hiểu càng thấy khó vì nó là lĩnh vực quá rộng, nó là hiện thân của sự chuyển hóa. Bản thân buộc phải thay đổi rất nhiều, ví dụ như bắt đầu bằng việc tập luyện để cơ thể khỏe mạnh mới có tâm trí minh mẫn, đọc sách nhiều để tư duy tốt hơn, đa chiều hơn. Ngoài ra cần lòng trắc ẩn, yêu thương con người và bền bỉ theo đuổi.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn chị!