DISC là một loại trắc nghiệm dùng để đánh giá hành vi cá nhân tập trung vào bốn đặc điểm tính cách nổi bật con người trong một khoảng thời gian nhất định. Thông qua các nhóm tính cách giúp xác định mức độ phù hợp của bạn đối với công việc và những người khác.
Tổng quan về DISC – Bộ công cụ định hình tính cách bản thân
DISC là công cụ đánh giá tính cách cá nhân được phát triển thành các phiên bản khác nhau và được sử dụng bởi các cá nhân và doanh nghiệp trong hơn 35 năm với tỷ lệ thống nhất giữa các câu trả lời của người được kiểm tra đạt 91%. Bài kiểm tra DISC tuân thủ liên kết chặt chẽ với Tiêu chuẩn Kiểm tra Tâm lý và Giáo dục (1999) và được hơn một triệu người trên thế giới sử dụng hàng năm hàng năm để xác định tính cách, điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với tình huống thực tế và hướng phát triển trong tương lai.
Lịch sử lý thuyết DISC
DISC là một bài đánh giá dựa trên lý thuyết nghiên cứu của luật sư, nhà tâm lý học người Mỹ William Moulton Marston (1893 – 1947). Ông là người xây dựng lý thuyết và cơ sở tạo ra trắc nghiệm DISC hiện đại. Marston đã công bố những kết quả nghiên cứu của mình trong cuốn sách Emotions of Normal People xuất bản năm 1928. Trong đó, ông giải thích việc mọi người thể hiện cảm xúc của họ thông qua bốn loại hành vi chính: thống trị, ảnh hưởng, kiên định và tuân thủ.
Đến năm 1956, nhà tâm lý học Walter Clarke đã xây dựng bộ trắc nghiệm DISC dựa trên lý thuyết mô hình DISC của Marston. Ông đã đưa ra một bảng danh sách các tính từ (Activity Vector Analysis) để mọi người lựa chọn các từ ngữ mô tả chính xác nhất về bản thân họ.
DISC là viết tắt của 4 loại hành vi chính, bao gồm Dominance (sự thống trị), Influence (ảnh hưởng), Steadiness (bền vững) và Compliance (tuân thủ). Bài kiểm tra DISC được thiết kế để kiểm tra tính cách bằng cách tính toán các kết quả hồ sơ cá nhân của người dùng dựa trên đáp án lựa chọn biểu hiện hành vi hàng ngày của họ. Kết quả hồ sơ cung cấp cái nhìn tổng quan, toàn diện về suy nghĩ, hành động và tương tác của một cá nhân với cuộc sống. Đây là công cụ xác định tính cách được sử dụng phổ biến nhất hiện nay dựa trên các nghiên cứu độ với độ chính xác và tin cậy cao qua nhiều thập kỷ.
Câu hỏi kiểm tra DISC
Trắc nghiệm nhóm tính cách DISC được ứng dụng phổ biến trong lĩnh vực nhân sự để phỏng vấn ứng viên. Trắc nghiệm DISC là một bảng câu hỏi gồm 24 đến 28 câu trắc nghiệm, người làm kiểm tra sẽ trả lời bằng cách lựa chọn đáp án “thích nhất” và “không thích nhất” của câu hỏi tình huống đó. Kết quả bài trắc nghiệm cung cấp cho người làm bài đáp án về tính cách, khả năng thích nghi và xu hướng giải quyết tình huống của cá nhân. Thông qua kết quả trả về, người làm trắc nghiệm có thể hiểu rõ được bản thân và có những sự điều chỉnh phù hợp khi ở trong những trường hợp tương tự.
TEST TRẮC NGHIỆM DISC NGAY TẠI ĐÂY
Mô hình DISC – Công cụ “đọc vị” đối phương
4 nhóm tính cách chính
Mô hình DISC cung cấp cho người làm bài những hiểu biết thêm về tính cách, hành vi và xu hướng ứng xử với các tình huống thực tế. Thông qua đó, mỗi người có thể xác định và điều chỉnh hành vi cá nhân sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh và môi trường xã hội mà họ tham gia. Mô hình DISC bao gồm 4 tính cách cơ bản bao gồm: sự thống trị (D- Dominance), sự ảnh hưởng (I – Influence), sự kiên định (S – Steadiness) và sự tuân thủ (C – Conscientiousness).
Nhóm D (Dominance) – nhóm Thống trị
Nhóm D là những người có tính cách mạnh mẽ, tự chủ và độc lập. Những người thuộc nhóm Thống trị có xu hướng chỉ đạo và quyết đoán, đồng thời luôn nỗ lực để đạt đến mục tiêu đã đề ra. Những người thuộc nhóm tính cách D có sự tự tin, năng động và sẵn sàng chấp nhận những rủi ro có thể xảy đến với mình. Khả năng tư duy, phân tích đa chiều giúp họ nhìn nhận vấn đề một cách bao quát và thực tế hơn. Vì vậy, những người thuộc nhóm D thường được đứng ở các vị trí như lãnh đạo hoặc quản lý.
Tuy nhiên, khi năng lực thống trị trở nên quá mạnh mẽ, nhóm tính cách D dễ trở nên bộc trực, thiếu kiên nhẫn. Họ có xu hướng vượt quá quyền hạn vì khả năng có thể tự chịu trách nhiệm của mình. Đôi khi họ có thể tranh luận, thậm chí ép buộc người khác bằng quyền lực của mình thay vì thuyết phục họ. Nhìn chung, người thuộc nhóm D là những người tự tin, chú trọng vào việc kiểm soát tình hình và đạt được kết quả mong muốn. Tuy vậy, đôi khi họ quá thẳng thừng, bộc trực và có xu hướng đòi hỏi người khác phải phục tùng theo ý muốn của mình.
Nhóm I (Influence) – nhóm Ảnh hưởng
Nhóm I là những người có khả năng tạo sự ảnh hưởng và thuyết phục người khác. Họ là những người nhiệt tình, lạc quan và tràn đầy năng lượng. Họ hướng ngoại và thích kết nối với nhiều người xung quanh. Bản chất tin cậy, khả năng giao tiếp xuất sắc và hấp dẫn giúp những người nhóm tính cách i gây ấn tượng với những người xung quanh.
Những người thuộc nhóm Ảnh hưởng chú trọng đến việc gây sự chú ý hoặc thuyết phục người khác bằng sự cởi mở và những mối quan hệ của mình. Họ mong muốn có được sự công nhận của nhiều người và muốn bản thân trở thành người có sức ảnh hưởng trong một tập thể. Do đó, họ thường cảm thấy sợ hãi khi không được người khác lắng nghe hoặc bị từ chối về mặt giao tiếp. Điều này dễ khiến họ trở nên bốc đồng, ham tranh luận hoặc bộc lộ cảm xúc quá mức trước người khác.
Nhóm S (Steadiness) – nhóm ổn định
Nhóm S đại diện cho sự ổn định, chân thành, hài hòa và tôn trọng. Những người thuộc nhóm tính cách S có sự lạc quan, thân thiện và hòa đồng với người xung quanh. Họ thụ động, hiếm khi tức giận và có xu hướng phấn đấu để hòa hợp với môi trường sống và làm việc. Sự chân thành và đáng tin cậy giúp họ trở thành những đối tác phù hợp với cam kết đồng hành lâu dài trong các dự án và kế hoạch lớn.
Nhóm tính cách S chú trọng vào tính ổn định, vì vậy trong một số trường hợp họ khá thụ động và có xu hướng né tránh các xung đột thay vì đối diện trực tiếp với vấn đề. Những người thuộc nhóm Ổn định có xu hướng chống lại các yếu tố ảnh hưởng đến thói quen và nguyên tắc của mình, điều này có thể khiến họ thiếu tự tin và không thể giữ vững được bản thân để tiếp nhận những sự thay đổi đó. Thêm vào đó, nhóm tính cách S có xu hướng ưu tiên cung cấp sự hỗ trợ, hợp tác khi đối tác cần nên thường khó đưa ra lời từ chối hoặc thiết lập các mối ưu tiên khác cho bản thân.
Nhóm C (Conscientiousness) – nhóm tuân thủ
Nhóm tính cách C là những người chú trọng đến tính chính xác, tỉ mỉ, hướng đến chi tiết và sự tận tâm. Họ có khả năng suy nghĩ sâu sắc các vấn đề và phân tích có hệ thống, đồng thời cẩn thận đưa ra quyết định dựa trên các nghiên cứu trước đó. Nhóm C biết cách tận dụng cơ hội để đạt được kiến thức, thể hiện chuyên môn của họ và tạo ra chất lượng công việc. Họ ưu tiên đảm bảo độ chính xác, duy trì sự ổn định và nghiêm túc đối diện với những thách thức. Vì vậy, những người thuộc nhóm tính cách C được đánh giá là cẩn thận, nguyên tắc, chính xác và khéo léo.
Tuy nhiên, những người thuộc nhóm C thường đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho bản thân và người khác. Vì vậy, trong một vài trường hợp họ có thể trở nên thực dụng một cách quyết liệt và có xu hướng giải quyết các vấn đề bằng cách tập trung vào phân tích đến mức có thể áp đảo đi sự thật khách quan. Bên cạnh đó, nhóm tính cách C rất sợ mắc sai lầm và khó kiểm soát cảm xúc trước các tình huống bất ngờ, do đó họ có thể sống khép kín hơn với những người xung quanh.
Tuy nhiên trên thực tế, hành vi giao tiếp của mỗi người thường có sự giao thoa giữa hai nhóm tính cách cơ bản trong DISC. Do đó, ngoài các nhóm tính cách chủ đạo, DISC còn phân chia thành 8 nhóm tính cách kết hợp như sau:
8 nhóm tính cách kết hợp
Nhóm D kết hợp | Nhóm DC (Dominance and Conscientiousness) – nhóm Thống trị và Tuân thủ | Nhóm DC tập trung vào thử thách, kết quả và độ chính xác. Những người thuộc tính cách DC thường hướng tới sự hoàn hảo và có ý chí mạnh mẽ, chăm chỉ phấn đấu đến mục tiêu đã đưa ra.Họ thường nhìn nhận vấn đề một cách thực tế và luôn cẩn thận trước những quyết định mang tính rủi ro. Sự cẩn trọng khiến người thuộc nhóm tính cách DC lo lắng về việc không đạt được kết quả như kỳ vọng, từ đó họ có thể trở nên quá quyết liệt, đôi khi cố chấp và có thái độ tiêu cực với người khác. |
Nhóm Di (Dominance and Influence) – nhóm Thống trị và Ảnh hưởng | Nhóm DI tập trung vào hành động và kết quả với thái độ nhiệt tình. Họ có khả năng thích nghi nhanh chóng với môi trường dựa trên sự sáng tạo. Họ có xu hướng tự chủ, ham học hỏi và đặc biệt tập trung vào kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, nhóm tính cách DI có xu hướng lo lắng khi không thể kiểm soát quyền lực và ảnh hưởng với tập thể. Do vậy, họ có thể trở nên thiếu kiên nhẫn, thao túng hoặc ép buộc người khác trong công việc và cuộc sống. | |
Nhóm I kết hợp | Nhóm iD (Influence and Dominance) – nhóm Thống trị và Ảnh hưởng | Nhóm ID sở hữu sức lôi cuốn, động lực, sự thân thiện và khả năng thuyết phục. Kỹ năng giao tiếp xã hội và khả năng sáng tạo vượt trội khiến họ thu hút người khác và trở thành những người xuất sắc trong tập thể. Tuy nhiên, nhóm tính cách ID có xu hướng phản ứng mạnh mẽ khi người khác cố gắng hạn chế quyền hạn của mình. Bởi vậy, họ có thể trở nên thiếu kiên nhẫn, thiếu quyết đoán và tự đề cao bản thân quá mức. |
Nhóm iS – (Influence and Steadiness) Nhóm Ảnh hưởng và Ổn định | Nhóm IS là những người đồng cảm, hỗ trợ và tích cực. Họ là những người xuất sắc trong nhóm và là những người giải quyết vấn đề tuyệt vời, đặc biệt là các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, người thuộc nhóm IS sợ tạo ra áp lực khiến người khác chán ghét họ. Do đó, đôi khi nhóm IS có thể dễ dãi quá mức, thậm chí chấp nhận sống trong những mối quan hệ làm họ bị tổn thương. | |
Nhóm S kết hợp | Nhóm Si (Steadiness and Influence) – nhóm Ổn định và Ảnh hưởng | Nhóm tính cách SI là những người nhiệt tình, biết hợp tác và hỗ trợ người khác. Họ coi trọng sự chấp nhận và biết cách lắng nghe người khác. Vì vậy, họ luôn được mọi người yêu quý và trở thành người kết nối trong một tập thể.Nhóm SI lo sợ phải đối mặt với các tình huống căng thẳng hoặc xung đột gay gắt, vì vậy họ có xu hướng lảng tránh các cuộc tranh luận hoặc ngại gây áp lực với người khác. |
Nhóm SC (Steadiness and Conscientiousness) – nhóm Ổn định và Tuân thủ | Nhóm SC tập trung vào sự ổn định, hỗ trợ và độ chính xác. Họ tìm kiếm môi trường yên tĩnh, có hệ thống và chu đáo. Họ đặt ra cho mình những mục tiêu cố định và có khả năng tự kiểm soát và kiên định trong quá trình hoàn thành mục tiêu.Nhóm tính cách SC lo lắng phải đối mặt với sự hỗn loạn và không chắc chắn. Vì vậy, người thuộc nhóm SC có thể tự kiểm soát quá mức và không linh hoạt thay đổi để thích ứng với tình huống mới. | |
Nhóm C kết hợp | Nhóm CD ( Conscientiousness and Dominance) – nhóm Tuân thủ và Thống trị | Nhóm CD là những người độc lập, đa nghi, quyết tâm và kỷ luật. Thông thường, họ là những người có tư duy phân tích và phản biện. Họ có xu hướng phấn đấu để đạt được kết quả mong muốn.Những người thuộc nhóm CD thường đặt ra những tiêu chuẩn cao và lo sợ gặp thất bại. Do đó, đôi khi họ có thể trở nên lạnh lùng, bướng bỉnh và thụ động hơn. |
Nhóm CS (Conscientious and Steadiness) – nhóm Tuân thủ và Ổn định) | Nhóm CS nổi bật với sự tin cậy, có tổ chức và nghiêm túc. Tính kiên nhẫn và khả năng làm việc chi tiết giúp họ luôn ổn định và có sự chuẩn bị tốt cho các kế hoạch.Tuy nhiên, nhóm CS khá thụ động trong việc chuẩn bị cho tình huống và những tình huống mang tính cảm xúc. Điều này có thể khiến họ trở nên mất tự chủ, thiếu quyết đoán và dè chừng hơn trước các tình huống phát sinh. |
Ứng dụng DISC trong cuộc sống
DISC là công cụ giúp con người nhận diện được khả năng của mình thông qua các nhóm hành vi và tính cách đặc trưng. Bên cạnh đó, đánh giá DISC còn được sử dụng bởi hàng nghìn tổ chức trên thế giới trong việc xây dựng các mối quan hệ và giao tiếp một cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn tại nơi làm việc.
Ứng dụng DISC đối với cá nhân giúp người làm bài kiểm tra nâng cao nhận thức về bản thân bằng cách hiểu cơ chế phản ứng với xung đột, các yếu tố thức đẩy và thách thức con người giải quyết các vấn đề gặp phải trong cuộc sống.
Đối với các doanh nghiệp, việc ứng dụng DISC giúp họ hiểu rõ hơn về khuynh hướng và phong cách làm việc của từng nhân viên. Các bài kiểm tra hỗ trợ doanh nghiệp và nhà tuyển dụng trong việc sàng lọc và lựa chọn nhân sự phù hợp với công việc và môi trường làm việc của doanh nghiệp, tổ chức. Đồng thời, DISC cũng là cơ sở để doanh nghiệp định hướng, đào tạo và huấn luyện nhân sự, giúp nhân viên phát huy khả năng và đạt được hiệu quả làm việc tốt nhất.
Tóm lại, ứng dụng DISC có thể hỗ trợ trong việc giao tiếp, bán hàng, xây dựng đội nhóm và lãnh đạo.
Hướng dẫn cách đọc biểu đồ DISC đơn giản nhất
Các góc phần tư trong mô hình DISC
Mô hình DISC cho biết tỉ lệ mức độ của bốn đặc điểm tính cách chủ đạo bao gồm: Thống trị – Dominance, Ảnh hưởng – Influence, Ổn định – Steadiness và Tuân thủ – Conscientiousness. Mỗi báo cáo sẽ xác định một chữ cái cụ thể hoặc kết hợp hai chữ cái để xác định nhóm tính cách đặc trưng của người kiểm tra. Người làm kiểm tra cần hiểu và xác định đặc điểm của các yếu tố để có đầy đủ thông tin chi tiết về báo cáo của mình.
Xác định biểu đồ tính cách
Báo cáo DISC sẽ hiển thị theo dạng biểu đồ cụ thể. Các dạng biểu đồ kết quả trong DISC có thể là biểu đồ tròn có các dấu chấm hoặc một loạt ba biểu đồ xác định loại hình tính cách của người kiểm tra.
Người làm bài kiểm tra có thể xác định hồ sơ tính cách của mình dựa trên vị trí của dấu chấm trên biểu đồ. Khoảng cách của dấu chấm so với tâm và vòng ngoài của hình tròn thể hiện mức độ khuynh hướng tính cách đối với đặc điểm cụ thể. Ví dụ, nếu dấu chấm trên biểu đồ nằm gần mép của vòng tròn trong khu vực thống trị (D) thì người đó thuộc nhóm tính cách D – Dominance.
Trong một số biểu đồ hình tròn, mỗi phần tư được chia thành ba phần. Những phần này là các nhóm tính cách kết hợp từ các nhóm cơ bản. Giả sử, nếu dấu chấm nằm ở vị trí thứ ba ở giữa thì người đó có sự đồng nhất với các đặc điểm cơ bản. Ngược lại, nếu dấu chấm nằm trong phần ba đầu tiên hoặc cuối cùng, người đó có nhóm xu hướng có nhóm tính cách kết hợp.
Người làm kiểm tra cần diễn giải ý nghĩa của từng biểu đồ riêng lẻ. Biểu đồ đầu tiên thể hiện hồ sơ thích ứng theo thái độ và hành vi công khai của người làm kiểm tra. Biểu đồ cho biết cá nhân đó có xu hướng hành động theo những gì họ tin rằng người khác mong muốn. Kết quả này có thể thay đổi theo thời gian do tác động môi trường hoặc sự kiện lớn trong cuộc sống.
Biểu đồ hồ sơ tự nhiên (biểu đồ thứ hai) phản ánh xu hướng hành vi theo bản năng, nghĩa rằng người đó đã học cách phản ứng tự nhiên trong những tình huống khác nhau. Biểu đồ này thể hiện bản chất vốn có của người đó nên có tính nhất quán theo thời gian.
Biểu đồ cuối là biểu đồ tổng hợp về phong cách chủ đạo của người làm trắc nghiệm DISC. Biểu đồ thứ ba thể hiện mối quan hệ tổng thể về tính cách chủ đạo kết hợp với thông tin cá nhân của người làm kiểm tra. Đôi khi có thể xuất hiện một vài điểm khác biệt giữa hai biểu đồ đầu tiên và do đó, biểu đồ thứ ba sẽ phản ánh ra kết quả chung rút ra từ hai biểu đồ trước đó.
Nếu biểu đồ tổng quan xuất hiện sự khác biệt đáng kể, nghĩa rằng người đó đang hướng tới việc điều chỉnh hành vi tự nhiên của mình một cách nhất quán với các tình huống cụ thể ở môi trường sống và làm việc. Đây là một trong những dấu hiệu giúp người làm kiểm tra đánh giá được hiệu quả trong quá trình thay đổi thái độ và hành vi phù hợp với hoàn cảnh.
Những lưu ý khi làm trắc nghiệm DISC
Để làm bài kiểm tra DISC cho kết quả chính xác nhất về tính cách và hành vi cá nhân, người làm bài cần chú ý một số điều sau:
– Kết quả trắc nghiệm mang tính chất tương đối, kết quả bài kiểm tra cho người trên 20 tuổi có mức độ chính xác cao hơn.
– Bình tĩnh khi đọc và làm bài.
– Trung thực với bản thân khi trả lời câu hỏi.
– Tối đa 1 ngày làm 1 bài trắc nghiệm, làm quá nhiều lần có thể khiến kết quả trả về không chính xác.
– Kết quả DISC phản ánh tính cách và hành vi dựa trên tình huống và khả năng phản ứng với các tình huống giao tiếp xã hội, không mang tính đánh giá về chuyên môn hoặc trình độ văn hóa của người đó.
Hy vọng qua bài viết trên, Tinhthansohoc.com đã mang đến những thông tin hữu ích liên quan đến DISC. Để tìm hiểu thêm về DISC cũng như khám phá thiên hướng tính cách của bản thân, truy cập ngay chuyên trang để thực hiện bài test trắc nghiệm DISC nhé!